Môi Trường Nước và Những Thông Số Buộc Phải Nắm Rõ

Chất lượng nguồn nước được đo lường bằng nhiều thông số khác nhau. Để đảm bảo chất lượng nước luôn ổn định, người nuôi cần kiểm tra thường xuyên và chắc chắn rằng nước trong ao nuôi nằm trong phạm vi tối ưu của các thông số sau.

 

Nhiệt Độ

Nhiệt độ nước ao nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sinh trưởng của tôm. Đối với tôm sú, mức nhiệt độ tối ưu là 28 – 30 độ C, còn mức nhiệt phù hợp với TTCT là 25 – 30 độ C.

 

Oxy Hòa Tan

Lượng ôxy hòa tan thích hợp cho ao nuôi tôm từ 4 mg/l trở lên. Để đảm bảo luôn cung cấp đủ ôxy cho tôm hô hấp, hãy lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt nước cho ao nuôi. Ngoài ra, không nên cho ăn dư nhiều thức ăn để hạn chế sự phát triển của tảo. Tảo phát triển nhiều trong ao nuôi sẽ dễ gây thiếu ôxy.

 

Độ Mặn

Độ mặn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm cũng như chất lượng nước trong ao. Đối với TTCT độ mặn tốt nhất là 10 – 15‰, với tôm sú độ mặn thích hợp là 8 – 20‰.

 

Độ Trong

Độ trong thích hợp trong các ao nuôi tôm dao động từ 30 – 45 cm. Nếu độ trong quá cao, cần kết hợp kiểm tra độ pH. Nếu độ pH thấp, người nuôi cần kết hợp bón thêm vôi, phân hoặc sử dụng hóa chất gây màu để tăng thêm chất dinh dưỡng trong nước. Ngược lại, nếu độ trong thấp (nước có màu đục), người nuôi có thể thay nước hoặc sử dụng các loại muối vô cơ như Al2 (SO4)3 để cải thiện.

 

Độ pH

Độ pH phù hợp nằm trong khoảng 7.5 – 8.5. Nên kiểm tra độ pH vào lúc 6 giờ sáng và 2 giờ chiều mỗi ngày để kiểm tra sự dao động của pH. Nếu độ pH quá cao (trên 9.0), có thể dùng acid acetic (giấm tây 1 lít /1.000 m3 nước ao) để giảm xuống. Trường hợp độ pH thấp có thể sử dụng CaO với liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3 để cải thiện.

 

Độ Kiềm

Mức độ kiềm phù hợp trong ao nuôi là 80 – 120 mg CaCO3/l. Cần kiểm tra độ kiềm 1 lần mỗi tuần để bổ sung vôi kịp thời, nhất là trong giai đoạn tôm lột xác.

 

NH3

Hàm lượng NH3 trong nước phải nhỏ hơn 0,1 mg/l, giới hạn tối đa là 0,3 mg/l. Đây là loại khí độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Vì vậy cần phải chú trọng và kiểm tra nồng độ NH3 trong nước thường xuyên. Khí NH3 liên quan mật thiết với độ pH. Nếu độ pH cao thì nồng độ NH3 cũng cao và ngược lại. Do đó, việc theo dõi và cải thiện độ pH kịp thời và chính xác là cần thiết.

 

H2S

Giống với NH3, H2S cũng là một loại khí độc gây hại cho tôm nuôi. Hàm lượng NH3 trong ao nuôi phải nhỏ hơn 0,3 mg/l để đảm bảo môi trường sống an toàn cho tôm.

 

Các Bệnh Phổ Biến Và Nguy Hiểm Trên Tôm

Vùng ĐBSCL chiếm trên 80% diện tích và sản lượng tôm nuôi cả nước, là vùng nuôi có 2 mùa mưa và nắng rõ rệt. Mùa nắng, các yếu tố mặn cao và nhiệt độ cao làm ôxy khó hòa tan vào nước cùng với thức ăn dư thừa và tảo dễ bùng phát, khó quản lý dễ sụp tảo đưa đến tiêu hao cạn kiệt nguồn ôxy hòa tan trong nước ao làm môi trường đáy ao yếm khí và dễ bùng phát dịch bệnh cho tôm.

Ngược lại, mùa mưa chủ yếu do sự biến động lớn các yếu tố môi trường nước ao nuôi theo sau những cơn mưa dễ làm tôm bị sốc (stress) và tôm dễ mẫn cảm hơn với bệnh, đặc biệt khi tôm bị sốc và dễ lột xác sau mưa là cơ hội tuyệt vời cho các mầm bệnh xâm nhập do tôm vừa lột xác rất yếu, khó cứng vỏ nhanh khi bị stress nặng.

Các bệnh tôm nguy hiểm và phổ biến bao gồm: Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND hay EMS), bệnh vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng (WFD hay WFS). EHP và WFD hiện nay rất phổ biến là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi tôm, vì chưa có giải pháp hoàn hảo để chữa trị và có vẻ thực tế nuôi cho thấy các bệnh này dễ bội nhiễm trên tôm.

 

Bệnh Gan Tụy Cấp

Bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm còn gọi là AHPND hay EMS đã được TS Lộc Trần và TS Lighner xác định do Vibrio parahaemolyticus và hiện nay với giải pháp điều chỉnh môi trường ao nuôi cùng với một số thuốc và thảo dược điều trị 3 – 5 ngày tôm sẽ khỏi bệnh, nên người nuôi dễ dàng hơn trong việc kiểm soát bệnh.

 

Bệnh Vi Bào Tử Trùng EHP

Bệnh vi bào tử trùng EHP do vi bào tử trùng (Microsporidian) gây ra nhưng gần đây nhóm vi bào tử Microsporidian được xếp loại thuộc nhóm nấm.

Trong thực tế người nuôi ghi nhận bệnh vi bào tử trùng EHP xảy ra phổ biến trong 45 ngày đầu của vụ nuôi. Bệnh EHP nếu nhiễm từ nguồn tôm giống do không được sàng lọc bệnh đúng phương pháp xét nghiệm (Nested PCR hoặc Realtime PCR) thì bệnh dễ biểu hiện ra trong 30 ngày đầu thả nuôi và nếu nhiễm nặng sẽ dễ bội nhiễm với bệnh gan tụy cấp (AHPND).

Trường hợp bệnh EHP nhiễm từ nguồn nước ở trại nuôi thì bệnh dễ xảy ra phổ biến trong khoảng thời gian 30 – 45 ngày, một số trường hợp trễ hơn khi tôm đạt 45 – 60 ngày nuôi và trường hợp này bệnh EHP dễ bội nhiễm với bệnh phân trắng.

 

Bệnh Phân Trắng

Bệnh phân trắng (WFD) hay Hội chứng phân trắng (WFS) đã có rất nhiều đánh giá, nghiên cứu và khảo sát bệnh với nhiều nhận định khác nhau trên các nguyên nhân gây bệnh bao gồm Vibrio sp., Gregarine và bội nhiễm với vi bào tử trùng EHP; nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khẳng định tác nhân chính gây bệnh phân trắng.

Tuy nhiên, gần đây Luis và Cộng sự vào năm 2021 thực hiện thí nghiệm bội nhiễm trên nguồn tôm nhiễm EHP với Vibrio parahaemolyticus lấy từ ruột tôm bị bệnh phân trắng cho kết quả thú vị, là tôm bị phân trắng và bệnh EHP sẽ nặng hơn khi có hiện diện của Vibrio parahaemolyticus.

 

Giải Pháp Chung

Thực tế cho thấy, đặc điểm này gần như giống nhau trên tất cả các loài sinh vật, kể cả con người là sinh vật dễ nhiễm bệnh theo sau các yếu tố gây sốc.

Trên tôm cũng vậy và rõ nhất là bệnh gan tụy cấp và bệnh phân trắng dễ quan sát thấy tôm bệnh sau các yếu tố môi trường đáy ao vượt ngưỡng chịu đựng hay sau những ngày nắng nóng kéo dài, sau những cơn mưa lớn, sau khi tảo dày và sụp tảo, tôm rất dễ bị gan tụy và phân trắng, kể cả bội nhiễm vi bào tử EHP.

Vì vậy, quản lý các yếu tố gây sốc bằng các chiến lược dùng thức ăn chống stress, quản lý yếu tố môi trường trong khoảng tối ưu và có giải pháp khác nhau trong mùa mưa hay mùa nắng là chìa khóa giúp tôm nuôi vượt qua dịch bệnh và tăng trưởng tốt.

 

Thức ăn dinh dưỡng cao chống stress

Hiện nay, hầu hết người nuôi tôm ao bạt đều thả ương tôm (gièo tôm) ở mật độ cao 1.000 – 5.000 con/m2, nên bản chất của ao ương gièo ở trại nuôi gần như ương tôm giống.

Hơn nữa tôm giống ở trại nuôi được cho ăn bằng các dòng thức ăn giống chất lượng đạm cao (50% – 60% đạm) chứa nhiều bột cá nhập, bột mực, bột krill, bột tảo biển và các chiết xuất tảo cùng các nguồn nguyên liệu đạm lên men chứa nhiều peptides sinh học (biopeptides) chống stress và kháng khuẩn cùng phụ gia chứa nhiều dinh dưỡng chống ôxy hóa và các chất chống stress (carotenoids, Vitamin E, C, D3, A, nucleotides, beta-glucan, taurine, glutamine, Methionine, Sorbitol…).

Các nghiên cứu của Công ty Công nghệ sinh học ở Đài Loan (Sciencechain Biotechnology Ltd.) cũng khẳng định, các nhóm peptides sinh học đặc biệt (có tên Bacteriocins) loại bỏ được bào tử của vi bào tử trùng EHP và nguồn đạm lên men MOTIV chứa nhiều peptides sinh học cũng bắt đầu được các công ty thức ăn tôm quan tâm.

Vì vậy, các trại gièo ở trại nuôi nên tiếp cận dùng các loại thức ăn gièo có chất lượng như thức ăn ở trại giống, có hàm lượng đạm cao, dinh dưỡng chống stress cũng như nguồn thức ăn gièo được sản xuất dạng viên cỡ nhỏ bằng công nghệ ép đùn ít làm dơ nước…

Hiện nay, trên thị trường có một số Tập đoàn như Cargill & Biomar có nguồn thức ăn gièo với công nghệ ép đùn dạng viên từ kích cỡ 300 – 1.000 µm (0,3 – 1 mm) và giàu độ đạm (50% đạm), giàu các nguồn dinh dưỡng chống stress và chống ôxy hóa…

Công nghệ ép đùn dạng viên không chỉ giúp nước ao gièo và ao tôm ít bẩn mà còn giúp viên thức ăn dễ áo vitamin và men tiêu hóa hơn và cùng với dinh dưỡng giàu đạm và giàu dinh dưỡng chống stress, sẽ giúp tôm tăng trưởng tốt, sức khỏe tốt và có sức đề kháng tốt để chống chịu stress, vượt qua dịch bệnh.

 

Môi trường nước trong khoảng nào tốt cho tôm thoải mái

Như đã đề cập, yếu tố môi trường nước ao phải được quản lý trong khoảng tối ưu bao gồm: hàm lượng ôxy hòa tan (DO), pH, hàm lượng kiềm thích hợp và khí độc Ammonia và Nitrite dưới mức cho phép.

Cụ thể:

+ Ôxy hòa tan: Tối thiểu 6 mg/L giai đoạn gièo tôm và tối thiểu 5 mg/L giai đoạn sau gièo;

+ pH: 7.5 – 8 trong mùa nắng hay 7.8 – 8.3 trong mùa mưa;

+ Kiềm: 120 – 180 mg/L cho giai đoạn gièo ít thay nước, tối thiểu 100 mg/L cho giai đoạn nuôi trong mùa nắng. Trong mùa mưa độ kiềm nên đạt tối thiểu 150 mg/L cho cả giai đoạn gièo và giai đoạn nuôi.

+ Khí độc Ammonia nên quản lý tổng ammonia (TAN) < 1 mg/L nếu nuôi pH 7.5 – 8 hoặc TAN < 0.5 mg/L nếu nuôi pH 8 – 8.3.

Người nuôi cũng cần lưu ý, việc quản lý các yếu tố trên tập trung vào:

1) Thức ăn và chương trình cho ăn;

2) Lượng máy quạt và vỉ ôxy lắp đặt cho ao;

3) Cách dùng vôi và khoáng để điều chỉnh pH và kiềm khác nhau trong mùa mưa và mùa nắng;

4) Cách dùng màu giả và men vi sinh để kiểm soát tảo và khí độc trong ao trong mùa mưa và mùa nắng:

+ Mùa nắng: người nuôi nên tập trung nhiều hơn vào việc kiểm soát tảo và hàm lượng DO trong ao thông qua mái che, mực nước và một số thủ thuật kiểm soát tảo thông qua quạt nước, màu giả và men vi sinh.

+ Mùa mưa: có sự biến động lớn các yếu tố môi trường, đặc biệt độ mặn, pH và kiềm, nên việc kiểm soát 3 yếu tố này đòi hỏi sự kết hợp nguồn thức ăn cho mặn thấp chống stress và các nguồn khoáng tăng mặn, tăng kiềm; đồng thời cần phát triển quy trình xử lý nguồn nước và dùng khoáng tăng mặn, tăng kiềm riêng cho mùa mưa để đảm bảo sự biến động của độ mặn, pH và kiềm thấp nhất.

TS Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc kỹ thuật toàn cầu nghành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc. 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

.